0938 562 809

Các nội dung cơ bản được giảng dạy để trẻ em biết bơi an toàn và phòng, chống đuối nước đúng cách

Các nội dung cơ bản được giảng dạy để trẻ em biết bơi an toàn và phòng, chống đuối nước đúng cách

Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm hướng tới mục tiêu giúp cho các em không chỉ biết cách phòng, chống đuối nước mà còn phục vụ các em nhu cầu vui chơi giải trí dưới nước, phát triển năng khiếu môn bơi, nâng cao .

Để đạt được mục tiêu, yêu cầu của Chương trình, việc dạy bơi cũng như tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả trẻ em học bơi được dựa trên kết quả kiểm tra kỹ năng bơi, kỹ năng nổi ngửa, đứng nước, kỹ nặng tự cứu, kỹ năng năng thoát hiểm, kỹ năng cứu đuối an toàn và kiến thức phòng chống đuối nước. Các tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá trẻ em biết bơi an toàn được xây dựng dựa vào các căn cứ sau đây:

Kiến thức về phòng chống đuối nước

Kiến thức về phòng chống đuối nước là nội dung cần thiết, quan trọng đầu tiên khi mỗi trẻ em bắt đầu học bơi cần phải học. Nắm vững kiến thức phòng chống đuối nước giúp trẻ em hiểu biết về tác dụng, lợi ích của việc học bơi, nguyên nhân đuối nước, những nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, nguyên tắc an toàn khi đi bơi, cách phòng ngừa, cách cứu đuối đúng cách,…
Ngay cả những bạn chưa biết bơi, nếu nắm vững kiến thức phòng chống đuối nước thì các bạn cũng phần nào biết phòng ngừa đuối nươc. Ngoài ra, việc nắm vững kiến thức phòng chống đuối nước còn giúp các em trở thành những tuyên truyền viên để tích cực phổ biến, tuyên truyền kiến thức phòng chống đuối nước cho bạn bè, người thân trong gia đình để cùng nhau phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng đuối nước. Vì vậy, nắm vững kiến thức phòng chống đuối nước là điều kiện cần thiết để đánh giá về kết quả học bơi an toàn, phòng chống đuối nước cho trẻ em.

Tùy theo từng đối tượng, lứa tuổi và khả năng nhận thức của trẻ em, hướng dẫn viên sẽ lựa chọn phương pháp phổ biến về kiến thức phòng chống đuối nước bằng cách thức phù hợp, ngắn gọn, dễ hiểu, gần gũi nhất với những tình huống thực tế diễn ra hằng ngày và sát thực với những bài tập thực hành ngay sau đó, giúp các em vừa nắm vững kiến thức, vừa được kết hợp giữa lý thuyết và thực hành để buổi học thêm hiệu quả.

Những nội dung, kiến thức cơ bản về phòng chống đuối nước được quan tâm giảng dạy, phổ biến đó là: (1) Đuối nước và cách nhận biết về đuối nước; (2) Nguyên nhân dẫn đến trẻ em bị đuối nước; (3 Những nguy cơ tiềm ẩn đuối nước cần đề phòng; (4) Biện pháp phòng tránh đuối nước cho trẻ em; (5) Lợi ích, tác dụng của việc học bơi; (5) An toàn khi đi bơi và tham gia giao thông đường thủy; (6) Thế nào là biết bơi; Cách cứu đuối an toàn.

Kỹ năng bơi

Một số chuyên gia, hướng dẫn viên của các tổ chức cứu hộ quốc tế dạy bơi tại Việt Nam quan niệm rằng: Việc dạy các em biết bơi phòng, chống đuối nước không cần thiết dạy các em thực hiện đúng kỹ thuật động tác các kiểu bơi mà quan trọng dạy các em nắm được kiến thức phòng chống đuối nước và thực hành các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, miễn sao các em có khả năng thực hành kỹ năng đứng nước, nổi ngửa được ít nhất 01 phút 30 giây, di chuyển tự do theo kiểu bơi chó, bơi ngửa, bơi nghiêng được ít nhất 25m để các em có thể tự cứu được bản thân khi bất ngờ bị rơi xuống nước.

Trong thực tế, trẻ em mới biết bơi và bơi được 25m theo bản năng mà không được tập luyện kỹ thuật động tác để hình thành kỹ năng vận động cơ bản dưới nước thì khó có thể phát triển tốt nhất khả năng bơi và thực hành được các kỹ năng vận động khác ở dưới nước. Vì vậy, dạy các em học bơi, trước hết cần dạy các em thực hiện đúng kỹ thuật các kiểu bơi phổ thông như: bơi ếch (hoặc bơi trườn sấp, bơi ngửa),…. Bởi vì, việc phối hợp động tác giữa chân, tay, tư thế thân người và cách thở của các kiểu bơi bơi ếch, bơi trườn sấp, bơi ngửa là cơ sở, nền tảng tốt nhất để các em có khả năng sáng tạo thực hành nhiều kiểu bơi tự do khác. Thực hiện đúng kỹ thuật động tác bơi giúp các em phát triển cân đối cơ thể, phát triển các tố chất nhanh, mạnh, bền, khéo léo và tự tin để thoát hiểm cũng như có khả năng thực hành kỹ năng tự cứu, các kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Thực tế hiện nay, mỗi khóa dạy bơi ban đầu tại các cơ sở, bể bơi thường được tổ chức từ 12 đến 15 buổi. Đối với trẻ em có khả năng vận động bình thường thì lượng thời gian này chỉ đủ để các em tập luyện và biết phối hợp động tác giữa chân, tay, tư thế thân người và cách thở của một kiểu bơi sau 12 đến 15 buổi học. Tức là, kết thúc khóa học, các em vừa kịp hình thành kỹ năng bơi và bơi được 25 m, chưa có thời gian để củng cố, nâng cao kỹ năng bơi và có thể bơi được cự ly dài hơn. Vì thế, bơi được 25 m có thể được coi là biết bơi ban đầu, còn việc biết bơi đúng kỹ thuật, biết bơi an toàn và không bị tái mù bơi thì các em cần được tham gia học bơi ở các khóa học bơi tiếp theo để củng cố, hoàn thiện và nâng cao về kỹ năng bơi cũng như thực hành các kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Kỹ năng nổi trong nước

Học cách nổi người trong nước cũng là khâu quan trọng đầu tiên khi học kỹ thuật động tác bơi. Để bơi được các kiểu bơi thông thường người học bơi có thể biết nổi ngửa, nổi sấp, đứng đước. Tuy nhiên, không phải cứ thực hành tốt kỹ năng bơi tức là người học bơi có thể nổi được khoảng thời gian dài trong nước và có thể nổi được với mọi tư thế thân người. Nổi ngửa và đứng nước là hai kỹ năng cần thiết và an toàn nhất khi học bơi, bởi vì hai tư thế nổi nước này giúp cho chúng ta vừa quan sát được xung quanh, vừa kiểm soát được hơi thở của mình và chịu đựng được dưới nước trong khoảng thời gian nhất định để chờ người đến cứu khi gặp khó khăn. Kỹ năng nổi nước cũng là một hình thức nghỉ ngơi tích cực và không mất sức như khi đang bơi.

Vì vậy, nổi nước là một kỹ năng giúp người bơi nghỉ ngơi giữa quãng và lại có thể tiếp tục bơi sau khi đã hồi phục hoặc khi đã đỡ mệt. Thời gian thực hiện kỹ năng đứng nước, nổi ngửa được ít nhất 01 phút 30 giây là điều kiện tối thiểu giúp các em chờ người hỗ trợ khi gặp tai nạn, rủi do trong môi trường nước. Để thoát hiểm và thực hiện được các kỹ năng an toàn đòi hỏi những yêu cầu cao hơn thì các em cần phải thường xuyên luyện tập để nâng cao khả năng đứng nước, nổi ngửa trong nước.

Kỹ năng lặn nước

Lặn xuống nước là một trong những loại hình vui chơi giải trí, đồng thời cũng như là kỹ năng quan trọng của một số ngành nghề dưới nước. Lặn xuống nước là kỹ năng cần thiết được tập luyện để phòng, chống đuối nước. Bởi vì, khi bị rơi xuống nước, toàn thân người sẽ bị bất ngờ chìm xuống nước sâu, tư thế thân người mất phương hướng, hô hấp cũng trở nên khó khăn, tinh thần thì hoảng loạn. Vì vậy, tập kỹ năng lặn nước chính là giúp chúng ta làm quen với độ sâu của nước và làm quen với tình huống bị rơi xuống nước.

Chương trình dạy bơi ban đầu hướng dẫn kỹ năng lặn nước cho trẻ em được bắt đầu từ những động tác ngụp nước làm quen với nước ở độ sâu nước ngang ngực nâng dần lên mực nước cao ngang vai. Khi trẻ em biết bơi thì học lặn nước ở mực nước sâu ngập đầu và di chuyển dưới nước.

Di chuyển tư thế thân người

Xoay chuyển tư thế thân người từ tư thế sấp sang tư thế ngửa và ngược lại; Từ tư thế nổi ngửa, nổi sấp sang đứng nước và ngượi lại,…Tập kỹ năng này giúp cho người học bơi có thể linh hoạt vận động các tư thế trong môi trường nước để xử lý mọi tính huống xảy ra trong khi bơi như: gặp chướng ngại vật, xử lý khi bị bấu víu, khi bơi quay vòng, gặp sóng to, nước xoáy…, Đặc biệt, trong trường hợp bất ngờ bị rơi xuống nước, nếu chúng ta đã có kỹ năng di chuyển tư thế thân người thì khi rơi xuống nước sẽ không hoảng loạn, không bị sặc nước mà tự tin xoay tư thế thân người để nổi ngửa hoặc đứng nước.

Kỹ năng thoát hiểm trong môi trường nước (kỹ năng an toàn trong môi trường nước)

Môi trường nước là môi trường đặc biệt, vì vậy khi chúng ta vận động dưới nước có thể xảy ra rất nhiều tai nạn, rủi do như khi bị chuột rút, khi cơ thể nhiễm lạnh, mệt mỏi quá sức, bị chấn thương, khi gặp sóng to, gặp vùng nước xoáy, bị bạn bơi cùng bấu víu, .…thì sẽ có nguy cơ đuối nước rất cao kể cả biết bơi rất giỏi. Vậy nên, cùng với việc học kỹ thuật động tác bơi, trẻ em cần thiết được hướng dẫn viên dạy thực hành các kỹ năng an toàn từ từ đơn giản đến phức tạp tùy thuộc vào trình độ, khả năng thực hành kỹ năng bơi của các em.

Dạy các em kỹ năng tự cứu thông qua việc kết hợp kỹ năng đứng nước, nổi ngửa, lặn nước kết hợp với kỹ năng di chuyển tư thế thân người và học bơi tự cứu để có thể xử lý tình huống bất ngờ bị rơi xuống nước các em biết cách tự cứu mình.

Kỹ năng cứu đuối an toàn

Học bơi, học các kỹ năng an toàn trong môi trường nước nhưng không học cách cứu đuối an toàn thì vẫn bị đuối nước. Thực tế, có rất nhiều bạn tự tin mình biết bơi giỏi, nhưng do chưa học cách cứu đuối an toàn nên đã vội vàng nhảy xuống nước cứu bạn bị đuối nước, trong lúc hoảng loạn người đuối nước giãy giụa, bấu víu rất mạnh nên dẫn đến cả người bị đuối và người cứu đuối cùng chìm dưới nước. Hoặc ngay cả việc cứu người đuối gián tiếp từ trên bờ nhưng cứu đuối không đúng cách cũng bị người đuối nước kéo theo xuống nước.

Vậy nên, việc học cách cứu đuối an toàn cũng là nội dung được hướng dẫn viên quan tâm chú trọng như dạy kỹ năng học bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Trong chương trình dạy bơi ban đầu tập trung dạy kỹ năng cứu đuối an toàn là dạy cácem xử lý các tình huống cứu đuối bang cách dùng các vật nổi, vật nối để cứu đuối gián tiếp từ trên bờ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *