0938 562 809

CHI TIẾT HỌC BƠI SẢI AI CŨNG PHẢI BIẾT

Mục lục

CHI TIẾT HỌC BƠI SẢI AI CŨNG PHẢI BIẾT

Kiểu bơi rất đa dạng và đòi hỏi những kỹ thuật riêng để có thể bơi chính xác và hiệu quả. Trong đó bơi sải hay bơi trườn sấp là một kiểu bơi khá phổ biến được nhiều học viên lựa chọn. Nhờ những động tác riêng biệt mà bơi sải mang đến những lợi ích cho cơ thể và tác động lên các bộ phận giúp chúng ta đạt được những mục tiêu khi học bơi. Dưới đây là chi tiết học bơi sải ai cũng phải biết để kiểu bơi này mang lại những lợi ích tốt nhất cho người tập

 

Tập luyện bơi sải đúng kỹ thuật
Tập luyện bơi sải đúng kỹ thuật

 

Chi tiết kỹ thuật chân trong bơi sải

 

Theo các chuyên gia bơi lội trên thế giới thì kỹ thuật chân trong bơi sải có tác dụng tạo ra lực tịnh tiến để giúp tăng tốc độ bơi. Tuy nhiên việc này chỉ có những kình ngư chuyên nghiệp mới có thể thực hiện được. Còn đối với những người mới bắt đầu học bơi sải thì nếu như thực hiện kỹ thuật đạp chân sai còn dễ khiến cho bạn cảm thấy mỏi cơ, tạo ra lực cản lớn với nước. Do đó, thay vì đạp chân để tạo ra lực đẩy cho cơ thể hãy hướng đến phương pháp đạp chân sao cho có thể giữ được phần thân sau của cơ thể nổi được.

 

Trước hết hãy thử tập động tác đạp chân của kiểu bơi sải trên bờ bằng cách khép chặt hai đùi lại và thả lỏng hoàn toàn mũi chân. Vẫy lần lượt hai mũi chân một cách nhẹ nhàng chứ không phải là co gối lại và đá vào nước. Đặc biệt, phần gót chân chỉ đủ làm nước nảy lên chứ tuyệt đối không được vượt qua khỏi mặt nước và làm nước bắn tung tóe.

 

Nhiều người cho rằng trong bơi sải đạp chân càng nhanh, càng mạnh sẽ giúp cho họ có thể bơi nhanh hơn nhưng thực tế thì hoàn toàn không phải vậy. Bạn có thể tập động tác chân này bằng cách ngồi trên thành hồ, thả lỏng toàn bộ cơ thể mà duỗi hai chân xuống nước, tiến hành vẫy hai mũi chân càng nhịp nhàng càng tốt.

 

Chỉ khi đã thực sự quen, nhuần nhuyễn với động tác đạp chân trên cạn mới nên áp dụng thực hành dưới nước. Để thực hành đạp chân bơi sải dưới nước cần tìm một mực nước cao ngang bụng hoặc ngực và vịn hai tay vào thành bể, nằm xấp xuống nước sau đó tiến hành duỗi thẳng hai chân và bắt đầu đạp. Khi tiến hành đạp chân cần phải chú ý không được để gót chân vượt qua khỏi nước và tuyệt đối không co gối khi đạp. Lúc này bạn có thể sử dụng tạm thời cách thở của bơi ếch.

 

Tóm lại, có hai vấn đề cơ bản trong kỹ thuật chân của bơi sải đó là khép đùi và thả lỏng. Hãy loại bỏ ngay thói quen luôn mở rộng hai chân giống như bơi ếch và thả lỏng chân. Đặc biệt là phần mũi chân, càng thả lỏng càng tốt. Nếu có thể hãy sử dụng phao bơi khi luyện tập động tác chân để cảm nhận được lực đẩy khi đạp chân thay vì chỉ vịn vào thành bể.

 

Chi tiết kỹ thuật tay trong bơi sải

 

Ở một số trung tâm dạy học bơi hiện nay, đa phần người mới học bơi sải sẽ được dạy theo cách giơ thẳng tay và đập cả cánh tay vào nước. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng phương pháp tập tay như vậy sẽ vô tình tạo ra thêm nhiều lực cản, làm giảm tốc độ bơi đồng thời làm cho toàn bộ phần cơ của cánh tay bị mỏi. Do đó hãy thả lỏng vai, duỗi thẳng các ngón tay và khép chúng lại. Kỹ thuật tay trong bơi sải được chia thành 3 phần bao gồm lướt nước, bắt nước, tiếp nước.

 

Lướt nước trong bơi sải cũng giống như kỹ thuật bơi cơ bản lướt nước của các kiểu bơi khác nói chung. Hãy bắt đầu với hai tay duỗi thẳng về phía trước, lòng bàn tay hướng xuống dưới, các ngón tay duỗi thẳng, mặt hướng xuống đáy hồ và thở nước. Lướt nước tốt sẽ giúp bạn bơi tốt và ngược lại.

 

Hãy sử dụng bên tay thuận của mình để thực hiện việc bắt nước, khi tay phải bắt đầu kéo về phía hông thì tay trái vẫn phải duỗi thẳng và hướng về phía trước. Lưu ý, phần cùi chỏ luôn phải để cao và tuyệt đối không được duỗi thẳng tay bắt nước đồng thời cần khép bàn tay để cảm nhận lực đẩy nước về phía sau. Khi kéo tay cần hướng lòng bàn tay ra phía sau để đẩy nước và khi cánh tay qua khỏi vai thì kéo sát vào vùng hông.

 

Lấy tay về phía trước thì hướng mũi tay xuống nước và bắt đầu cho các ngón tay tiếp nước cho đến khi cả cánh tay chìm trong nước thì duỗi thẳng tay phải đồng thời tiếp tục thực hiện động tác bắt nước cho tay tiếp theo. Lưu ý: Cần tiếp nước bằng các đầu ngón tay trước rồi mới đến cổ tay, khuỷu tay đồng thời chỉ được duỗi thẳng tay khi cả cánh tay đã chìm vào trong nước.

 

Trước tiên hãy lấy hơi thật sâu để thực hiện động tác lướt nước. Sau khi lướt nước thành công và cảm thấy cơ thể không còn di chuyển thì hãy bắt đầu đạp chân. Nên nhớ là cần khép đùi và thả lỏng chân. Tiếp tục thực hiện cùng lúc 2 động tác là đạp chân và quạt tay. Tiến hành quạt tay đến khi không còn oxy thì dừng lại và lắp lại các bước trên.

 

Chi tiết kỹ thuật thở trong bơi sải

 

Thở đúng cách khi học bơi sải
Thở đúng cách khi học bơi sải

 

Kỹ thuật thở trong bơi sải là một kỹ thuật khá khó đòi hỏi bạn phải luyện tập thường xuyên, đều đặn mới có thể thuần thục được. Tiến hành tập thở trong bơi sải bằng cách thực hiện động tác lướt nước và sử dụng hai động tác chân – tay để bơi về phía trước. Việc phối hợp tốt giữa tay và đầu sẽ giúp cho quá trình lấy hơi được dễ dàng, thuận lợi hơn. Kỹ thuật thở trong bơi sải được thực hiện bởi quá trình nghiêng đầu khi kéo tay đè nước và chỉ để duy nhất phần miệng ra khỏi nước để lấy hơi. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể bám vào thành bể để bắt đầu đạp chân giúp cho phần thân sau nổi lên sau đó bắt đầu kéo tay, khi tay đè nước đến hông thì nghiêng đầu để miệng qua khỏi nước và hít vào bằng miệng. Lúc mới tập bạn có thể để đầu cao hơn một chút tuy nhiên cần chú ý là chỉ để nghiêng đầu nhẹ thôi chứ không được xoay hẳn đầu ra phía sau. Cần phải chắc chắn rằng mắt luôn nhìn xuống đáy bể, lúc nghiêng đầu lấy hơi cũng chỉ được nhìn một bên và tuyệt đối không nhìn thấy gì ở phía trước.

 

Sau khi thuần thục kỹ thuật thở trong bơi sải cũng là lúc đã có thể tiến hành phối hợp toàn bộ các kỹ thuật nêu trên thành kiểu bơi sải hoàn chỉnh. Hãy bắt đầu phối hợp bằng tay không thuận đầu tiên. Dùng tay trái để đè nước và tay phải bám chắc thành bể, mũi thở nhẹ và đổi bên. Khi rời thành bể cũng thực hiện tương tự nhưng tay vịn thành bể lúc này sẽ úp xuống nước, các ngón tay khép hờ và hướng về phía trước.

 

Tóm lại để học bất kỳ một kiểu bơi nào, bạn cần có hiểu biết chính xác về những động tác hay kỹ thuật cơ bản. Khi đã thành thạo và nhuần nhuyễn chúng, bạn có thể nhanh chóng học bơi một cách đầy tự tin và hiệu quả cao. Điều này cũng giúp bạn tránh những sự cố hay chấn thương đáng tiếc do kỹ thuật bơi không chuẩn xác.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *