Vẫn biết dạy bơi cho học sinh để phòng chống đuối nước là điều hết sức cần thiết, song có nên cấp chứng chỉ bơi cho học sinh hay không? Học sinh cần có những điều kiện nào để cấp chứng chỉ? Cấp nào có thẩm quyền để cấp chứng chỉ bơi cho học sinh? Học sinh tiểu học phải đăng ký thi cấp chứng chỉ bơi ở đâu? Đây là những câu hỏi được nhiều bậc phụ huynh đưa ra ngay tại thời điểm kỳ nghỉ hè của các em đang đến gần. Nhất là khi mà một số trường vừa qua đã có yêu cầu học sinh chuyển cấp một sang cấp hai phải có chứng chỉ bơi.
Dạy bơi cho học sinh để phòng chống đuối nước là cần thiết |
Anh Nguyễn Đức Quang (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, chúng tôi đồng tình và ủng hộ cho con đi học bơi. Nếu các cháu biết bơi sớm, bố mẹ cũng yên tâm hơn, nhất là vào dịp nghỉ hè trẻ đi chơi, du lịch hoặc về quê có nhiều ao, hồ…
Trẻ đi học bơi sẽ rèn luyện sức khoẻ, có thêm một kỹ năng trong cuộc sống, tự tin hoà nhập với môi trường tập thể, với cộng đồng và quan trọng hơn là giảm bớt xem tivi và chơi điện tử ở điện thoại, laptop, iPad…
Thế nhưng điều anh Quang lo lắng lại là chứng chỉ bơi cho các cháu liệu có đảm bảo đi kèm với khả năng của con em mình. “Thú thực là đến giờ tôi cũng không biết cơ quan nào có thẩm quyền cấp chứng chỉ bơi đạt tiêu chuẩn cho học sinh. Nếu là các công ty tư nhân dạy bơi thì họ có đủ thẩm quyền để cấp không? Và chứng chỉ của họ có đảm bảo pháp lý hay không? Các cháu đã biết bơi thì đăng ký thi cấp chứng chỉ ở đâu? Hay bắt buộc phải theo một khóa học bơi rồi mới được cấp chứng chỉ?…”.
Chung băn khoăn với anh Quang, chị Bùi Hương Giang (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, bơi lội là một kỹ năng hết sức cần thiết cho học sinh, nhà trường nên tạo điều kiện và khuyến khích các em tham gia các khóa học bơi để nâng cao kỹ năng phòng chống đuối nước. Nếu nhà trường có điều kiện về cơ sở vật chất thì nên tổ chức học cho các em, song không nên lấy đây là điều kiện để bắt buộc các em phải tham gia…
Thực tế cho thấy, mùa hè là thời điểm xảy ra đuối nước nhiều nhất, bởi đây là thời gian các em được nghỉ học, được vui chơi. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, nhu cầu bơi lội của các em rất lớn. Mặc dù hiện tại đã có nhiều trung tâm dịch vụ bơi lội được mở ra, nhưng chưa thể đáp ứng tất cả nhu cầu của người dân. Thêm đó, kinh phí cho các khóa học bơi lội là tương đối cao so với thu nhập nhiều hộ gia đình, không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con đến bể bơi, học bơi.
Thực tế, Hà Nội đã có mô hình thí điểm dạy bơi trong trường học. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm triển khai, mô hình này cũng chưa được nhân rộng vì gặp khó khăn về điều kiện hạ tầng.
Hiện nay, số bể bơi công cộng ở Hà Nội còn rất thiếu, bể bơi trong trường học càng hiếm. Có một số trường ngoài công lập, trường quốc tế xây bể bơi trong khuôn viên trường, tăng cơ hội học bơi cho học sinh, nhưng con số này còn rất khiêm tốn.
Chính vì vậy, theo một số chuyên gia giáo dục, việc khuyến khích học sinh tiểu học tham gia các khóa học bơi, nâng cao kỹ năng sống là rất cần thiết. Nếu như có điều kiện, phụ huynh nên cho con tham gia vì có nhiều vụ đuối nước xảy ra, đa phần do học sinh không biết bơi, không biết xử trí ra sao trong lúc gặp bạn bị ngã xuống sông, hồ…
Tuy nhiên, hoạt động này cần được hưởng ứng xuất phát từ tinh thần tự nguyện, không nên ép buộc. Có thể cho học sinh tập bơi ở các lớp 3, 4 chứ không nên dồn dập cho các học sinh lớp 5, gây phản ứng của các bậc phụ huynh.
Đồng thời, các chuyên gia cũng cho rằng biết bơi là chưa đủ mà cần dạy trẻ các kỹ năng cứu đuối nước. Phó cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Vũ Thị Kim Hoa chia sẻ, tỷ lệ trẻ em Việt Nam bị đuối nước cao gấp mười lần các nước đang phát triển và chỉ đứng sau số ca tử vong do tai nạn giao thông.
Có nhiều trường hợp, trẻ không biết bơi và không có kỹ năng cứu đuối nước lại nhảy xuống nước cứu bạn, dẫn đến hậu quả khôn lường. Do đó, có thể thấy rằng, bơi giỏi chưa đủ, mà quan trọng là phải có kỹ năng cứu đuối bảo đảm an toàn cho bản thân và người được cứu.