CÁCH CỨU HỘ NGƯỜI BỊ ĐUỐI NƯỚC AN TOÀN CHO CẢ HAI
Đuối nước là một trong những tai nạn khá phổ biến hiện nay tại Việt Nam bởi tỷ lệ người biết bơi ở nước ta đang còn khá thấp. Tuy nhiên, người bị đuối nước không hẳn là người không biết bơi mà rất nhiều người biết bơi nhưng vẫn bị đuối nước. Nguyên nhân có thể là do khi đang bơi có thể họ bị chuột rút hoặc đột quỵ, tụt huyết áp… hoặc có thể do họ cứu người đuối nước không đúng cách dẫn đến việc cả hai cùng bị đuối nước.
Chính vì vậy, ngoài việc biết bơi thì bạn cũng cần trang bị cho mình những kinh nghiệm để có thể phòng tránh được việc bị đuối nước. Nên có những bài tập vận động làm nóng cơ thể và bôi trơn các khớp trước khi xuống nước, 5 vận động cần phải biết trước khi xuống bể bơi sẽ giúp bạn có thể lực và sức khỏe tốt nhất khi bơi. Bên cạnh đó, bạn cũng nên trang bị cho mình những kiến thức cứu hộ cứu nạn tốt nhất để có thể cứu người bị đuối nước một cách hiệu quả và an toàn.
Cách xác định người bị đuối nước
Khi một người bị đuối nước họ thường rất hoảng sợ và cố gắng vùng vẫy để ngoi lên mặt nước. Nạn nhân lúc này vẫn có ý thức nhưng thường khó kêu gọi sự giúp đỡ do cơ thể thiếu oxy hoặc do họ đang bị sặc nước. Do đó, khi thấy có người đang ngoi ngóp trên mặt nước bạn hãy nhanh chóng lên phương án để lập tức tiến hành cứu hộ cứu nạn cho nạn nhân. Việc cứu hộ càng nhanh sẽ càng tăng khả năng sống sót cho nạn nhân. Trong khoảng từ 20 đến 60 giây, người bị nạn không được phát hiện thì có thể bị chết đuối.
Cách cứu hộ người bị đuối nước
Trong trường hợp gặp người bị đuối nước bạn không nên lao xuống nước ngay mà nên xác định phương án cứu hộ tốt nhất cho mình. Trước tiên, hãy hô hào thật to để kêu gọi thêm sự trợ giúp của những người xung quanh. Mọi người cùng nhau hỗ trợ và gọi cấp cứu một cách nhanh nhất.
Nếu nạn nhân bị đuối nước gần bờ và nằm trong tầm với tay thì bạn hãy nằm sấp trên bờ, dạng chân để giữ thăng bằng, một tay cố gắng bám chắc (nếu có gốc cây hay vật cố định thì hãy giữ chặt để tránh bị nạn nhân lôi xuống nước) sau đó với tay còn lại của mình tới vị trí của nạn nhân và hô to để nạn nhân nắm lấy tay mình. Hãy hô thật to và nhiều lần để giúp nạn nhân chú ý đến bạn bởi khi đuối nước người bị nạn thường khá hoảng loạn và mất phương hướng.
Bạn cũng có thể sử dụng những vật xung quanh làm dụng cụ hỗ trợ cứu hộ. Hãy quan sát thật nhanh xung quanh đó xem có những vật như gậy, cành cây, dây hay phao cứu hộ hoặc những vật có thể nổi được trên mặt nước hay không. Nếu có hãy tận dụng nó triệt để trong công tác cứu người bị đuối nước. Khi ném phao xuống thì bạn cần xác định hướng gió và hướng dòng nước chảy để khi ném phao có thể chạy lại gần người bị nạn nhất.
Cứu hộ người bị đuối nước trực tiếp
Đối với trường hợp người bị nạn ở vị trí xa bờ và bạn không có công cụ gì hỗ trợ thì hãy chắc chắn mình bơi thạo và biết rõ cách cứu đuối mới xuống nước cứu người bởi có rất nhiều trường hợp bị chết đuối chung dù người cứu hộ bơi rất tốt nhưng không có kỹ năng cứu hộ. Nguyên nhân là vì người bị đuối nước rất hoảng loạn và luôn tìm cách bám vào mọi thứ và dìm xuống để họ có thể nổi lên trên mặt nước. Lúc này, họ luôn dồn hết sức lực của mình với mong muốn giữ được mạng sống cho mình cho nên rất có thể họ sẽ gây khó khăn cho người cứu mình, thậm chí là làm cả hai cùng chết. Chính vì vậy, khi học bơi bạn nên học cả những kỹ thuật bơi lội cơ bản và kỹ năng cứu người gặp nạn để đảm bảo an toàn cho mình.
Hãy tiếp cận nạn nhân bị đuối nước từ phía sau để tránh việc bị nạn nhân nắm lấy và dìm xuống nước. Cố gắng giữ chặt nạn nhân và ngửa mặt nạn nhân lên mặt nước. Bạn có thể giữ nạn nhân bằng cả hai tay hoặc một tay tùy vào việc bạn có thành thạo các kiểu bơi hay không. Khi bơi ra cứu người bạn có thể mang theo một chiếc áo hoặc một chiếc dây, nếu có thể hãy khóa tay của người bị nạn lại bằng vật này để đảm bảo việc tránh bị họ gây cản trở cho mình khi cứu người. Khi đã giữ chắc được nạn nhân hãy vận dụng hết các kỹ năng bơi lội của mình để bơi vào bờ để có sự hỗ trợ tốt nhất cho nạn nhân khi lên bờ.