Cùng với hàng chục ngàn người dân vui chơi, tắm biển trong dịp Tết Nguyên đán, lực lượng cứu hộ bờ biển cũng phải gồng mình, đội nắng ứng trực để đảm bảo an toàn cho khách du xuân.
11h30 trưa mùng 4 Tết, các thành viên lực lượng cứu hộ bờ biển vẫn đội nắng, lội nước để quan sát, theo dõi người dân tắm biển. Theo lực lượng cứu hộ, tắm biển có nhiều nguy hiểm, một trong những mối nguy tiềm ẩn và thường trực đó là ao xoáy trên các bãi tắm. Ảnh: T.A Thật ra, bãi cát không hề mịn màng, bằng phẳng như nhiều người vẫn nghĩ. Khi nước triều rút, bãi cát luôn có nhiều những vết hằn cũng như ao, hố lồi lõm. Một phần do thiên nhiên, một phần do con người tạo ra. Những hố lồi lõm này là nguyên nhân chính hình thành nên các ao xoáy. Ảnh: T.A Một ao rất lớn ngang hơn 50m và rộng hơn 20m, chỗ sâu nhất ngang thắt lưng người lớn đã được cắm cờ báo hiệu. 12h trưa, có cả trăm người dân, du khách cùng nhiều trẻ em đang vui chơi tắm trong ao. Lúc này do nước rút nên ao trở nên vô hại. “Lúc sáng, chúng tôi đã cứu hơn 10 trường hợp gặp nguy hiểm trong chính ao xoáy này“, ông Lê Công Tác – một thành viên thâm niên hơn 14 năm trong lực lượng cứu hộ cho biết. Ảnh: T.A Chỉ về khu vực ao xoáy, ông Tác cho biết, những hố trên bãi cát khi thủy triều lên có khả năng sẽ tạo thành những xoáy nước mở rộng thành các hố sâu. Khi nước lên nhanh, những người đang tắm biển phía ngoài trở vào bờ thì sẽ đụng phải ao, hoặc lúc nước lớn đi ra xa sẽ rơi vào ao. Lúc này ao có thể sẽ rất sâu, làm hụt chân, mất thăng bằng đối với người tắm biển do bất ngờ. Đồng thời, cùng với dòng chảy ngầm tạo xoáy trong ao gây nguy hiểm cho khách tắm biển. Ảnh: T.A Theo ông Tác, những khi nước rút, lực lượng cứu hộ phải rà soát trên bãi cát và chủ động tìm những nơi có khả năng hình thành ao xoáy để cắm cờ báo hiệu trước. Cờ cắm cũng phải đủ sâu để lỡ khách có đu, vịn vào cũng không bị nghiêng đổ. Trước khi nước dâng lên, lực lượng cứu hộ phải phát loa yêu cầu du khách vào trong khu vực có ao xoáy, tránh gặp nguy hiểm vướng ao lúc vào bờ khi thủy triều lên. Ảnh: T.A Chỉ trong một đoạn ngắn đã có hàng trăm lá cờ báo nguy hiểm được dựng lên. Lực lượng cứu hộ cho biết, công tác cứu hộ chủ yếu là phòng ngừa không để du khách có nguy hiểm. Trong những ngày vừa qua, lực lượng cứu hộ tại khu vực Bãi Sau đã cứu, hỗ trợ gần 30 trường hợp thoát khỏi các ao xoáy, không có trường hợp nào ảnh hưởng đến sức khỏe. “Từ khi thấy du khách có khả năng gặp nguy hiểm là cứu hộ đã chủ động xuống nước để tiếp cận ứng cứu. Nhiều người dân được cứu thậm chí còn chưa biết mình đã gặp nguy hiểm, chưa bị sặc nước biển”, ông Tác nói. Ảnh: T.A Dù chỉ là rãnh nước nhỏ nhưng theo khảo sát, nơi này có khả năng thành ao xoáy nên lực lượng cứu hộ cũng trồng cột báo nguy hiểm. Khi thủy triều lên cao, hầu hết người dân đều tắm biển ở sát trong bờ, ngoài khu vực ao xoáy. Lúc này lực lượng cứu hộ đứng trên bờ biển để quan sát, và thổi còi, nhắc nhở người dân khi có dấu hiện đến gần khu vực nguy hiểm. ”Cũng có một số người dân không nghe tín hiệu còi, chúng tôi phải dùng loa gọi, mô tả đúng đối tượng để họ chú ý và di chuyển đến khu vực an toàn. Nếu họ vẫn chưa chấp hành, cứu hộ phải xuống nước để sẵn sàng, hoặc di chuyển đối tượng đến nơi an toàn“, thành viên đội cứu hộ bờ biển chia sẻ. Theo kinh nghiệm của những người gắn bó lâu năm với nghề cứu hộ bờ biển, du khách tắm biển nên chú ý và tránh xa những khu vực đã cắm cờ báo hiệu nguy hiểm. Đồng thời nên quan sát tránh những vùng nước sẫm tối màu, hoặc không có bọt sóng, gợn nước nhỏ lăn tăn… Bên cạnh đó, ao xoáy, dòng chảy cũng không phải lúc nào cũng có biểu hiện cụ thể dễ nhận biết, nên khách tắm biển cũng cần phải chú ý các tín hiệu, tuân thủ hướng dẫn của đội ngũ nhân viên cứu hộ bờ biển. Ảnh: T.A