0938 562 809

Đề án bể bơi trường học: Vẫn còn ngổn ngang

Đề án bể bơi trường học: Vẫn còn ngổn ngang

Hiện chưa có số liệu thống kê đầy đủ năm 2020 về số bể bơi trong trường học nói riêng cũng như trên toàn quốc nói chung có triển khai giảng dạy bộ môn bơi lội song nhìn chung, đây vẫn là một con số khiêm tốn.

Qua khảo sát thực tế, được biết khó khăn thách thức chung khiến cho các nhà trường không thực hiện được chiến lược trên đó là kinh phí xây dựng, quỹ đất, giáo viên giảng dạy, xin chủ trương phê duyệt của cơ quan chức năng,…

Tỉ lệ bể bơi/trường học thấp

Kế hoạch triển khai thực hiện phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020 của ngành giáo dục theo quyết định 801/KH-BGDĐT đã đi đến giai đoạn kết thúc song một số mục tiêu vẫn chưa thể hoàn thành.

Đơn cử như trong đó, mục tiêu 100% trường học đóng tại địa bàn có bể bơi, hồ bơi, xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp tổ chức các lớp dạy bơi cho HS. Lý do là vì hiện nay việc xây dựng bể bơi, hồ bơi cố định và di động không phải nhà trường nào cũng triển khai được. Đơn cử như trên toàn địa bàn TP HCM, hiện nay số lượng các trường có hồ bơi để dạy môn bơi lội vẫn còn rất khiêm tốn. Còn đối với những địa phương ở vùng sâu vùng xa, mặc dù có những sáng kiến trong việc dạy bơi như tận dụng kênh mương, hồ ao… để dạy bơi cho trẻ song nhìn chung việc thiếu cơ sở vật chất khiến cho công tác phổ cập bơi cho trẻ em còn khó khăn.

Theo các chuyên gia, để thực hiện tốt và thành công đề án xã hội hóa xây dựng bể bơi trường học, phía nhà trường nên phối hợp với các nhà đầu tư, đơn vị thi công xây dựng bể bơi, xin ý kiến đóng góp từ phụ huynh,…

Ông Phạm Văn Tịnh, Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ GDĐT), việc xã hội hóa bể bơi, với góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, ngành giáo dục chỉ đạo các địa phương căn cứ vào từng điều kiện địa phương và có hình thức làm sao để thu hút xã hội hóa trong nhà trường.

Ví dụ như ở Hà Nội, một số doanh nghiệp đầu tư hệ thống bể bơi và kết hợp với nhà trường tổ chức dạy bơi với hình thức trung tâm hỗ trợ một phần cho HS về kinh phí dạy bơi. Doanh nghiệp đưa toàn bộ trang thiết bị bể bơi vào nhà trường và HS ai có nhu cầu thì đăng ký. Hoặc các tỉnh khác, Bắc Giang cũng xã hội hóa như vậy.

Quyết tâm thực hiện

Trao đổi với Báo Đại Đoàn Kết, Trưởng phòng Giáo dục quận Tây Hồ- Hà Nội Lê Hồng Vũ cho biết: Ngày 2/7, Phòng GDĐT quận Tây Hồ đã thực hiện kiểm tra, giám sát việc triển khai dạy bơi và phòng chống đuối nước ở một số trường học trên địa bàn.

Theo đó, bên cạnh những trường mà điều kiện cơ sở vật chất chỉ có thể lắp bể bơi di động, có những trường được xây dựng bể bơi cố định theo đề án phát triển mạng lưới trường học với ưu tiên xây dựng ở mỗi một khu vực, một địa bàn một trường có bể bơi.

Ví dụ ở phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ có trường THCS Chu Văn An có bể bơi, ở Bưởi có Trường THCS Đông Thái có bể bơi. Ở Nhật Tân có Trường THCS Nhật Tân có bể bơi.

“Giai đoạn 2016-2020, mỗi năm quận có có từ 1.500 tới 1.900 HS trên tổng số 8.000 HS từ lớp 2 đến lớp 5 trên địa bàn quận đăng ký học bơi. Thống kê của quận cho thấy số HS hoàn thành khóa học bơi và biết bơi đạt 83%. Trong giai đoạn 2, từ 2020-2025, chúng tôi tập trung đối tượng vào HS lớp 2 và những HS lớp 3,4,5 còn lại chưa biết bơi. Mục tiêu là giúp cho các em HS lớp 5 khi ra trường, 100% HS biết bơi. Năm học này, chúng tôi đã bắt đầu triển khai từ giữa tháng 6 và đến nay các bể bơi đã bắt đầu đi vào hoạt động. Gồm có 5 bể bơi thông minh di động và 1 bể bơi cố định lớn thu hút HS của 8 trường tiểu học công lập trên toàn quận. Số lượng HS năm nay tham gia là 1.590 HS”, ông Lê Hồng Vũ thông tin.

Chia sẻ thêm, ông Vũ cho biết chương trình an toàn bơi có 2 nội dung được triển khai là dạy bơi và chống đuối nước. Các em học trong 12-15 buổi còn nội dung thứ 2 học từ 2-4 buổi. Kinh phí của nội dung chống đuối nước quận chi trả 100% còn việc học bơi thì doanh nghiệp 50%, cha mẹ HS là 70% và quận hỗ trợ 30%.

Về kinh nghiệm triển khai thành công của quận Tây Hồ đó là cần phải có kế hoạch rõ từ nhà trường không thể buông lơi cho doanh nghiệp tự làm, không để phụ huynh tự do đăng ký bơi hay không cũng được. Vai trò nhà trường vẫn là chủ đạo vì HS có thể có trẻ thích bơi nhưng có em cũng nhát nước. Nếu gây được phong trào để các cháu hứng thú đua nhau thì mới có thể nhân rộng được mô hình này. Vì vậy, cần sự tuyên truyền thuyết phục, động viên từ giáo viên chủ nhiệm là rất lớn.

Bên cạnh đó, được sự chỉ đạo rất sát sao của quận ủy và nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục phải thực hiện, đảng bộ các phường cũng vào cuộc cùng các nhà trường tạo ra sức lan tỏa tới mọi người dân trên địa bàn, tạo ra dư luận tốt giúp cho cha mẹ HS nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc dạy bơi và phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em hiện nay.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *