TẬP BƠI THEO CHỈ DẪN MẠNG CÓ ĐƯỢC KHÔNG? CÓ NÊN TẬP KỸ THUẬT BƠI THEO CÁC BÀI VIẾT HOẶC CLIP CHỈ DẪN TRÊN MẠNG?
Cuộc sống bây giờ quá ư bận rộn! Mọi người đều muốn đơn giản hóa mọi thứ để rút ngắn bớt thời gian. Một trong những lĩnh vực cũng ngày càng được đơn giản hóa để tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí, tiết kiệm công sức cho người thụ hưởng chính là lĩnh vực giáo dục. Việc học tập hiện nay, dù là học lý thuyết hay học kỹ năng, đều có thể dễ dàng học trên mạng. Người học không cần đến trường lớp, không cần có giáo viên trực tiếp, chỉ một mình “ta với màn hình” là có thể học mọi thứ trên đời!
Lĩnh vực “học bơi và dạy bơi” cũng không phải là ngoại lệ. Người muốn học bơi, muốn chỉnh sửa kỹ thuật của mình hoặc muốn học một kiểu bơi nào khác ngoài kiểu bơi mình đã biết, đều có thể dễ dàng tìm kiếm trên mạng các bài viết, bài dịch, các clip hướng dẫn để “trao dồi” thêm kỹ năng muốn có.
Tuy vậy, việc tập kỹ thuật bơi theo các bài viết hoặc clip chỉ dẫn trên mạng thật sự có mang lại hiệu quả như mong muốn? Theo tôi, chúng ta cần phân định rạch ròi 2 cấp độ khác nhau: cấp độ của những người bơi lội không chuyên và cấp độ của những VĐV bơi lội chuyên nghiệp
1. Ở cấp độ của những người bơi lội không chuyên hay nghiệp dư (có thể là người mới học bơi, bơi chưa rành, bơi chưa chuẩn …), việc theo dõi các bài viết kỹ thuật hoặc clip chỉ dẫn trên mạng thật sự có giá trị … rất thấp, hoặc thậm chí là … có hại! Vì sao?
– Thứ nhất, các bài viết kỹ thuật bơi trên mạng sử dụng nhiều thuật ngữ chuyên môn, chẳng hạn như “tì nước”, “ôm nước”, “cắt nước”, “đẩy nước” …. Người mới học bơi sẽ cảm thấy lúng túng khi đọc những bài viết này, đôi khi lại hiểu theo một nghĩa khác so với ý đồ của bài viết.
– Thứ hai, tập kỹ thuật bơi phải có thầy hướng dẫn trực tiếp, chứ không thể chỉ có “thầy ảo”. Câu “không thầy đố mày làm nên” rất đúng trong ngữ cảnh học bơi vì khi học bơi, yếu tố “feedback” (phản hồi) là vô cùng quan trọng. Trong môi trường nước, mọi thứ đều “lạ lẫm” đối với bạn. Bạn lại không có kỹ năng tương tự trước đó ở trên cạn để so sánh nên bạn không thể biết bạn đang làm động tác sai hay đúng, chỉ có thầy trực tiếp mới nói cho bạn biết về điều đó và chỉnh sửa kịp thời cho bạn khi bạn làm sai.
– Thứ ba, bơi lội khác với các môn thể thao trên cạn khác chính là do … “NƯỚC”. Nói cách khác, chính môi trường nước tạo nên sự khác biệt trong bơi lội. Đối với người mới học bơi, họ cần xuống nước để cảm nhận nước “vuốt ve” trên làn da của họ, để cảm nhận áp lực nước tác động lên cơ thể họ; để tập giữ thăng bằng trong mặt nước dập dềnh và để cảm nhận lực cản trong nước. Những cảm giác này chỉ có khi người học bơi “ngâm” trong nước. Những chỉ dẫn kỹ thuật qua màn hình không đề cập đến những “cảm nhận” này, mà chính những “cảm nhận này” lại là yếu tố quyết định đến việc thực hiện các kỹ năng dưới nước của người bơi. Đó là chưa kể, có những kỹ năng thực hiện trên bờ khác hẳn với thực hiện dưới nước. Chẳng hạn trên bờ bạn thường vận động trong tư thế đứng thẳng, còn ở dưới nước bạn lại phải vận động trong tư thế nằm ngang (vì vậy, có những người đứng trên bờ quay tay rất “khí thế” nhưng khi xuống nước thì không nhấc nổi cánh tay lên khỏi mặt nước!); trên bờ bạn chẳng bao giờ để ý đến việc thở của mình, còn ở dưới nước bạn phải tập “thở ra bằng mũi, hít vào bằng miệng” đúng theo nhịp của tay, làm ngược lại là “sặc nước” ngay! Chính vì vậy, bạn có thể đọc các hướng dẫn kỹ thuật bơi chi tiết trên mạng nhưng khi xuống nước thực hiện lại là chuyện khác. Nói chung, “thấy vậy mà không phải vậy”!
2. Ở cấp độ của những VĐV bơi lội chuyên nghiệp, việc tập bơi theo các bài viết hoặc clip chỉ dẫn trên mạng lại là điều hết sức cần thiết! Họ là những người có một năng lực thần bí, mà người ta gọi là “cảm giác nước”. “Cảm giác nước” này cũng như người họa sĩ mô tả về “con mắt vàng” khi vẽ tranh, cũng giống như cái “cảm giác bóng” của những VĐV chơi các môn bóng (bóng đá, bóng bàn, quần vợt) và cũng giống như cái “cảm giác không gian” của những VĐV cần phải “bay lượn” nhiều (bóng chuyền, bóng rổ, thể dục dụng cụ). Những “cảm giác” này, vận động viên được rèn giũa khắc nghiệt trong nhiều năm tập luyện có hệ thống. Đối với một VĐV bơi, “cảm giác nước” giúp họ cảm nhận về dòng nước, cảm nhận về sự chuyển động của cơ thể, cảm nhận về từng động tác dưới nước một cách hết sức tinh tế. Vì vậy, ở cấp độ này, họ có thể đọc và “ngộ ra” những chi tiết kỹ thuật trong các bài viết, có thể dễ dàng “bắt chước theo” những động tác của VĐV cấp thế giới, có thể “thấy được” những lỗi kỹ thuật của họ so với hình ảnh hoặc clip minh họa.
Tóm lại:
Người học bơi có thể xem trước bài viết hoặc clip trên mạng để có một khái niệm ban đầu, một “hình ảnh” nào đó trong đầu trước khi tập bơi thực thụ. Tuy nhiên, không thể tập bơi bằng cách chỉ nhìn vào màn hình để đọc, xem, tưởng tượng và xuống nước tự tập! Muốn bơi tốt, hãy tham gia tập luyện bài bản ở một lớp học bơi.
Bơi lội là môn nhiều người nghĩ có thể học qua người thân, bạn bè hoặc nhìn người khác bơi trên mạng rồi tập theo. Tuy nhiên, thực tế không hề đơn giản như vậy! (như đã phân tích ở trên). Đó là chưa kể, người mà bạn “tầm sư” chưa chắc đã bơi đúng để chỉ bảo cho bạn hoặc clip mà bạn xem chưa chắc đã chuẩn vì giờ đây bất kể ai cũng đều có thể quay clip! Vấn đề là khi học sai, làm sai rồi thì rất khó sửa. Cơ bắp cũng có trí nhớ nha các bạn!